Bùi Giáng sinh ngày 17.12.1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Thân phụ của ông là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của ông Bùi Thuyên với bà Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Do vậy bạn bè thuở nhỏ, gọi ông là Sáu Giáng.
Sau khi học xong bậc tiểu học ở Trường Bảo An tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Bùi Giáng được gia đình cho ra Huế tiếp tục học ở Trường Trung học Thuận Hóa, đang học thì thế chiến thứ hai nổ ra, rồi cuộc Cách mạng mùa Thu năm 1945. Nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành Chung.
Năm 1944, Bùi Giáng cưới vợ là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là một trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ.
Rồi Bùi Giáng theo kháng chiến. Năm 1950, khi có kỳ thi tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, Bùi Giáng dự thi và đậu Tú tài 2 văn chương. Sau đó ông về đi chăn dê ở Trung Phước trong 15 năm.
Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách và sáng tác thơ văn, ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu về văn học Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm...Ông nổi tiếng sáng tác nhanh: tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.
Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975.
Năm 1969, do hỏa hoạn, tất cả sách vở cùng với nhà cửa của ông bị thiêu trụi. Ông bị sốc nặng, từ đó trở đi ông là bệnh nhân quen thuộc của bệnh viện Biên Hòa.
Sau 1975 ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông bị bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy.
Bùi Giáng chỉ có một vợ là bà Phạm Thị Ninh. Bà qua đời sớm, để lại cho ông nhiều đau khổ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly, một hình bóng cũ.
Ngoài người vợ đầu, Bùi Giáng cũng có những đối tượng khác để yêu, để làm thơ. Ngoài mối tình đơn phương nổi tiếng dành cho nghệ sĩ Kim Cương, còn phải kể đến những mối tình đơn phương vượt không gian với những mỹ nhân Tây Phương như Marilyn Monroe, Brigitte Bardot. Ngoài ra trong thơ ông còn có hình bóng của ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, ni cô Trí Hải (dịch giả Phùng Khánh, ông gọi là Mẫu thân Phùng Khánh), hay cả những nhân vật tiểu thuyết Marguerite, A Châu, A Tử.
Riêng mối tình đơn phương đối với Kim Cương được cho là sâu đậm nhất, và đã để lại khá nhiều giai thoại.
Tháng 10 năm 1998, trong một lần đi chơi ông bị té và bị chấn thương sọ não. Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7.10.1998.
Tác phẩm:
Thơ
- Mưa nguồn (1962)
- Lá hoa cồn (1963)
- Màu hoa trên ngàn (1963)
- Mười hai con mắt (1964)
- Ngàn thu rớt hột (1967)
- Rong rêu (1972)
- Thơ vô tận vui (1987)
- Mùa màng tháng tư (1987)
- Mùi hương xuân sắc (1987)
- Đêm ngắm trăng (1997)
Dịch thuật
- Trăng châu thổ
- Hoàng Tử Bé
- Khung cửa hẹp
- Hòa âm điền dã
- Ngộ nhận
- Cõi người ta
- Nhà sư vướng luỵ
Nghiên cứu
- Tư tưởng hiện đại (1962)
- Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (1963)
- Đi vào cõi thơ
- Thi ca tư tưởng
- Một vài nhận xét về bà Huyện Thanh Quan
- Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Quan Âm Thị Kính
- Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
- Sa mạc phát tiết (1965)
- Sa mạc trường ca (1965)
- Bài ca quần đảo (1969)
- Mùa thu trong thi ca
- Ngày tháng ngao du
________________________________________________________________
BÙI
GIÁNG